Có khoảng 3 triệu Bitcoin (BTC) hiện vẫn chưa được khai thác, với tổng giá trị là 26,3 tỷ USD (tính theo giá hiện tại 1BTC=8,7 nghìn USD). Quá trình khai thác hết số BTC này dự kiến sẽ mất khoảng 121 năm. Tuy nhiên có một giả thuyết được đặt ra, sau khi Google đạt được Ưu thế Lượng tử bằng siêu máy tính lượng tử Sycamore.
Đó là khoảng thời gian 121 năm để khai thác toàn bộ 3 triệu BTC còn lại, có thể rút ngắn xuống còn chưa đầy 2 giây. Máy tính lượng tử Sycamore của Google có thể giải quyết vấn đề toán học hóc búa trong vỏn vẹn 200 giây, bài toán khó đến mức siêu máy tính Summit của IBM phải mất 10.000 năm mới giải được.
Một cỗ máy có thể giải mọi bài toán
Google nói rằng bộ xử lý lượng tử Sycamore 54 qubit của mình chỉ mất 200 giây để thực hiện xong phép toàn mà Summit – siêu máy tính mạnh nhất Trái Đất – phải mất 10.000 năm mới giải xong. Nếu siêu máy tính mạnh nhất thế giới còn phải tính lâu vậy, thì máy tính thường không “có cửa”, đồng nghĩa với việc Sycamore đã đạt được ưu thế lượng tử.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cộng đồng tiền mã hóa trên toàn thế giới đã hoảng loạn và lo sợ. Vì một giả thuyết được đặt ra rằng những cỗ máy tính lượng tử này có thể đe dọa tới mạng lưới blockchain, vốn được mã hóa rất phức tạp. Tuy nhiên siêu máy tính lượng tử lại có thể giải mã chúng chỉ trong chớp mắt.
Tuy nhiên điều đó có thể đúng trên lý thuyết, bởi mạng lưới blockchain của Bitcoin phức tạp hơn thế rất nhiều. Chúng ta sẽ phải xem xét đến yếu tố độ khó khai thác của mạng blockchain, với nguyên tắc “điều chỉnh độ khó”.
Mạng Bitcoin được thiết kế để điều chỉnh độ khó khai thác của nó sau mỗi 2.016 khối (khoảng 14 ngày) dựa trên sức mạnh khai thác tham gia trong mỗi chu kỳ. Việc này là để đảm bảo thời gian sản xuất khối ở giai đoạn tiếp theo duy trì trong khoảng 10 phút. Khi có ít máy tính cạnh tranh trong việc giải quyết hàm băm của bitcoin để kiếm được bitcoin mới được tạo, độ khó sẽ giảm; khi nhiều người chơi nhảy vào, nó tăng lên.
Giả thuyết trên đã bỏ qua điều này, và nếu một siêu máy tính lượng tử tham gia vào việc giải mã, thì độ khó tiếp theo sẽ được tăng lên đến mức ngay cả một siêu máy tính lượng tử cũng sẽ bị chậm lại. Để đảm bảo mã hóa cứng (hardcoded) phải mất 10 phút để thêm khối Bitcoin mới vào hệ thống Blockchain không thay đổi.
Tất nhiên là chưa có ai kiểm tra được liệu mức độ khó như vậy có thể xảy ra được hay không.
Siêu máy tính lượng tử không phải mối đe dọa đối với Bitcoin, nhưng nó còn nguy hiểm hơn thế rất nhiều
Gần đây, Vitalik Buterin – cha đẻ của Ethereum – cũng khẳng định rằng siêu máy tính lượng tử của Google không thực sự là mối đe dọa đối với Bitcoin hay tiền mã hóa. Ông cho biết cỗ máy này là một bằng chứng về khái niệm của một cỗ máy có sức mạnh xử lý vượt trội hơn tất cả, còn để nó được sử dụng cho một kịch bản xấu và đe dọa Bitcoin thì còn lâu mới có thể xảy ra.
Tuy nhiên nếu một siêu máy tính lượng tử chạm vào mạng lưới blockchain của Bitcoin, nó có thể gây tê liệt toàn bộ hệ thống vì độ khó bị đẩy lên mức mà những cỗ máy thông thường không thể giải quyết được. Đó là về mặt lý thuyết, còn Google chắc chắn sẽ không sử dụng cỗ máy của mình để làm điều đó.
Mặc dù vậy vẫn có một vấn đề khác và có vẻ nguy hiểm hơn nhiều, theo chuyên gia tiền mã hóa Andreas Antonopolous: “Vấn đề không thực sự là Bitcoin. Nếu chúng ta có được một cỗ máy có thể giải quyết mọi bài toán, vấn đề lớn hơn nhiều là toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, các đường dây tuyệt mật, hệ thống tài chính v.v.. tất cả đều phụ thuộc vào mã hóa. Chúng ta sẽ cần phải nâng cấp các hệ thống mã hóa này để chúng có thể chống lại những cỗ máy tính lượng tử”.
Tham khảo: cryptoglobe