Hành tinh khí khổng lồ chỉ mất 18 giờ quay quanh sao chủ

Các nhà thiên văn học phát hiện một ngoại hành tinh giống sao Mộc nằm rất gần ngôi sao lùn cam cách Trái Đất 1.060 năm ánh sáng.

Bằng các quan sát từ tổ hợp 12 kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Paranal trên sa mạc Atacama ở Chile, các nhà thiên văn học từ Đại học Warwick, Anh do Tiến sĩ James McCormac dẫn đầu đã xác nhận sự tồn tại của một hành tinh khí khổng lồ mới, có tên là NGTS-10b, bổ sung vào danh sách hơn 4.000 ngoại hành tinh được khám phá trong hơn hai thập kỷ qua.

Hành tinh khí khổng lồ mới NGTS-10.
Hành tinh khí khổng lồ mới NGTS-10. (Ảnh: vofoundation.org).

NGTS-10b có đường kính lớn hơn một chút so với sao Mộc nhưng nặng hơn gấp 2,1 lần. Nó chỉ nằm cách ngôi sao chủ NGTS-10 một khoảng bằng 1,4% đơn vị thiên văn (AU), hay khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời và hoàn thành một vòng quay quỹ đạo trong 18,4 giờ.

Ngoại hành tinh khí này nằm gần ngôi sao chủ đến mức các nhà khoa học có thể nhận thấy sự phân rã quỹ đạo của nó theo thời gian. Nếu các mô hình tương tác hiện tại giữa các hành tinh và ngôi sao là đúng, nhóm nghiên cứu ước tính thời gian NGTS-10b hoàn thành một quay quanh NGTS-10 sẽ ngắn đi 7 giây trong thập kỷ tới và dần dần chuyển động theo hình xoắn ốc trước khi đâm vào ngôi sao chủ sau 38 triệu năm nữa.

Mặc dù nằm rất gần NGTS-10, NGTS-10b được mô tả là không nóng hơn so với những hành tinh khí nằm gần sao chủ khác, bởi sao lùn NGTS-10 có nhiệt độ thấp hơn 1.380°C và có đường kính cũng như khối lượng chỉ bằng 70% so với Mặt Trời. Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn Hoàng Gia Anh.

nguồn: khoahoc.tv

+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Scroll to Top