Chúng ta có thể đã nghe nhiều về cầu vồng sau mưa nhưng hiện tượng cầu vồng xuất hiện xung quanh Mặt Trăng trên thành phố Turin, Ý hồi năm 2014 lại là điều chưa từng xảy ra.
NASA mới đây vừa chia sẻ một bức ảnh ấn tượng về Mặt Trăng. Đó là cảnh tượng cầu vồng bao quanh Mặt Trăng ngay vào ban đêm. Đây là bức ảnh của nhiếp ảnh gia Giorgia Hofer.
Một dải sắc tựa như cầu vồng bao quanh Mặt Trăng đó thực chất là một corona (quầng hoặc hào quang), nó đã xuất hiện trong một đêm trăng tròn trên thành phố Torino, Ý vào năm 2014.
NASA cho biết, hiệu ứng này được tạo ra bởi sự nhiễu xạ cơ học lượng tử ánh sáng xung quanh các giọt nước có kích thước tương tự nhau trong một đám mây theo lớp và trong suốt.
Vì mỗi bước sóng lại có một màu sắc khác nhau nên hiện tượng nhiễu xạ cũng tạo ra nhiều màu sắc khác nhau.Quầng sáng trên là một trong số ít các hiệu ứng cơ học lượng tử có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
Đây không phải lần đầu NASA chia sẻ một bức ảnh thiên văn thú vị như vậy. Năm ngoái, nhiếp ảnh gia John Entwistle của NASA đã chụp được một khoảnh khắc ngoạn mục ghi lại cảnh một tầng tầng lớp lớp cầu vồng đan xen với nhau sau trận bão Florence quét qua bang New Jersey.
Hiện tượng cầu vồng hiếm thấy này còn được gọi là cầu vồng siêu nhiên. Chúng thường mờ dần trong khoảng nửa giờ. Cầu vồng siêu nhiên hình thành khi các giọt nước rơi xuống có kích thước tương đương nhau. Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước, ánh sáng sẽ phản chiếu từ bên trong những hạt mưa và phản trở lại tạo ra cầu vồng.
nguồn: genk.vn