Nếu như sao Kim là hành tinh khắc nghiệt nhất, chết chóc nhất và nóng nhất Hệ Mặt Trời – với nhiệt độ gần 500 độ C, bao trùm khắp “hoang mạc chết” này là CO2 và axit sunfuric (H2SO4) – thì nó cũng chưa thấm vào đâu so với hành tinh khí khổng lồ có tên WASP-76b.
Được giới thiên văn phát hiện lần đầu tiên năm 2016, WASP-76b – thuộc chòm sao Song Ngư, cách Trái Đất 640 năm ánh sáng – dần hiện lên là một “hành tinh hỏa ngục”, nơi sự sống chắc chắn không thể tồn tại.
Mưa sắt nghìn độ
Nghiên cứu mới nhất (tháng 3/2020) của các nhà vật lí thiên văn thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) về hành tinh này cho hay: WASP-76b có nhiệt độ ban ngày lên đến 2.400 độ C, đủ nóng để làm sắt bốc hơi! Điều kỳ lạ nữa đó là, khi màn đêm xuống, nhiệt độ của WASP-76b lại giảm đến mức khiến sắt (bốc hơi ban ngày) ngưng tụ thành những giọt sắt cực nóng, trút xuống bề mặt hành tinh giống như những cơn mưa.
Nếu như ban ngày, nhiệt độ của nó là 2.400 độ C thì ban đêm hạ xuống gần 1.000 độ, chỉ còn 1.500 độ C.
“Cứ đêm xuống, “hỏa ngục” này lại xuất hiện những cơn mưa sắt nóng rẫy trút xuống bề mặt hành tinh khô cằn” – Tiến sĩ, nhà vật lí thiên văn David Ehrenreich thuộc Đại học Geneva, đứng đầu nhóm nghiên cứu, bất ngờ cho biết.
Sử dụng máy quang phổ Espresso, các nhà khoa học đã phát hiện dấu hiệu hơi sắt ngưng tụ vào ban đêm tại WASP-76b, đến ban ngày thì nó hoàn toàn bốc hơi. Do đó, Tiến sĩ David Ehrenreich cho rằng: Mức nhiệt chênh lệch cực cao giữa ban ngày – ban đêm của hành tinh này đã tạo ra những trận gió mạnh hủy diệt, lên tới 18.000 km/h. Kết hợp điều này với sự quay của hành tinh, sẽ đẩy hơi sắt quanh hành tinh và các nguyên tử ban ngày kết hợp với nhau tạo thành phân tử vào ban đêm.
“Điều chúng tôi phỏng đoán là hơi sắt ngưng tụ vào ban đêm, mặc dù nhiệt độ hành tinh này vẫn nóng ở 1.400 độ C, nhưng đủ lạnh để sắt có thể ngưng tụ thành mây, rồi gây ra mưa sắt” – Nhóm nghiên cứu giải thích.
WASP-76b thuộc loại hành tinh Sao Mộc nóng (hot Jupiter), tức là một loại hành tinh khí khổng lồ nằm bên ngoài Hệ Mặt Trời, với các đặc điểm vật lí tương tự như sao Mộc nhưng có chu kỳ quỹ đạo quanh sao chủ rất ngắn.
WASP-76b chỉ cách ngôi sao chủ WASP-76 của nó khoảng 5 triệu km và chỉ mất 43 giờ để hoàn thành một chu kỳ quỹ đạo quanh sao chủ. Ngôi sao WASP-76 này đều có kích thước và nhiệt độ lớn hơn Mặt Trời của chúng ta: Gấp 1,5 lần khối lượng Mặt Trời, gấp 1,8 lần kích thước và với nhiệt độ khoảng 6.055 độ C (Mặt Trời là 5.504 độ C).
Đó là lý do, ngoại hành tinh khí WASP-76b được giới thiên văn học gọi là “hành tinh hỏa ngục”, nó phải chịu bức xạ thiêu đốt lớn gấp hàng nghìn lần so với bức xạ của Trái Đất từ Mặt Trời (Trái Đất cách Mặt Trời 148,66 triệu km).
Trong lịch sử khám phá thiên văn học, hành tinh khí WASP-76b không phải là ngoại hành tinh (hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta) nóng nhất từng được phát hiện.
Quán quân cho ngoại hành tinh nóng nhất từng được giới khoa học tìm thấy thuộc về KELT-9b, cách Trái Đất 670 năm ánh sáng, với mức nhiệt là 4.300 độ C. KELT-9b nóng đến mức các phân tử trong bầu khí quyển không thể liên kết với nhau. Và có thể bốc hơi theo đúng nghĩa đen do sao chủ của nó gây ra.
Nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ vừa công bố phát hiện mới nhất này của họ trên Tạp chí Nature.
nguồn soha.vn