Ảnh hưởng của phóng xạ tới sức khỏe trong khám chữa bệnh.

Phóng xạ phá hủy cơ thể ở cấp độ tế bào và phân tử, làm hư hại DNA khiến cơ thể giảm đề kháng, ung thư nếu chiếu liều cao.

Tất cả chúng ta đều được tiếp xúc trong giới hạn an toàn với cả hai nguồn bức xạ là tự nhiên (mặt đất, vũ trụ…) và nhân tạo. Trong đó nguồn bức xạ nhân tạo chiếm khoảng 15%. Trong đó, phần lớn số bức xạ nhân tạo con người tiếp xúc là trong y học như chụp phim X-quang, CT…, còn lại từ điện hạt nhân, thử nghiệm vũ khí.

Phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi, giải thoát năng lượng dư thừa của nó và phát ra các bức xạ hạt nhân, thường được gọi là các tia phóng xạ. Tia phóng xạ có thể là chùm các hạt mang điện dương như hạt anpha, hạt proton; mang điện âm như chùm electron phóng xạ beta; không mang điện như hạt nơtron, tia gamma.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Vinmec, cho biết phóng xạ có khả năng phá hủy cơ thể ở cấp độ tế bào và phân tử, làm hư hại phân tử DNA. Các tế bào có DNA bị hư hại sẽ chết đi hoặc diễn ra quá trình sửa chữa. Ở các cấp độ khác nhau, cơ thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Mức độ tác hại phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ của phóng xạ.

Bệnh phóng xạ có thể sinh ra do bị chiếu xạ từ ngoài cơ thể hoặc nhiễm chất phóng xạ (nhiễm xạ từ bên trong) hoặc do cả hai. Khi con người bị tác động bởi các bức xạ ion hóa ở mức thấp thì việc gây tác hại không thể nhận biết ngay được, nên phải sau một thời gian chứng bệnh mới biểu hiện. Tuy nhiên nếu chiếu lên cơ thể một liều lượng quá lớn so với giới hạn tối đa cho phép thì chỉ sau 7 đến 10 ngày, bệnh trạng đã xuất hiện rõ.

Máy chụp PET/CT tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
Máy chụp PET/CT tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). (Ảnh: Lê Nga).

Bệnh phóng xạ được chia làm hai loại là phóng xạ cấp tính và mãn tính.

  • Phóng xạ cấp tính xảy ra khi cơ thể bị chiếu toàn thân một liều lớn hoặc những liều không lớn nhưng liên tiếp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công tác an toàn phóng xạ hiện nay, bệnh phóng xạ cấp thường hiếm hơn và chỉ xảy ra ở hai tình huống như tai nạn hạt nhân hoặc điều trị quá liều.
  • Phóng xạ mãn tính xuất hiện khi cơ thể bị chiếu những liều xạ nhỏ trong một thời gian dài. Bệnh có thể gặp ở người do nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với phóng xạ. Ngoài ra, các chất phóng xạ có thể xâm nhập vào bên trong qua đường hô hấp, tiêu hóa, qua da khiến nhiều cơ quan bị tổn thương nghiêm trọng.

Đối với máu và cơ quan tạo máu xuất hiện triệu chứng xuất huyết, phù nề, thiếu máu do mô Lympho và tủy xương nhạy cảm cao với bức xạ. Hệ tiêu hóa chiếu xạ liều cao làm tổn thương niêm mạc ống vị tràng gây rối loạn tiết dịch, xuất huyết, loét, thủng ruột, giảm đề kháng cơ thể, viêm da, sạm da…và phát triển khối u ác tính. Một số bộ phận khác như cơ quan sinh dục chiếu liều cao có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ.

Phụ nữ mang thai chiếu xạ cao có thể sẩy thai, chết lưu hoặc trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ung thư và phóng xạ đã được khoa học chứng minh. Khi bị tia phóng xạ tác động, các gene ung thư tồn tại sẵn trong tế bào của con người ở dạng không hoạt động do bị những gen khác ức chế sẽ “trỗi dậy”và gây bệnh.

Các biện pháp chủ yếu để bảo đảm an toàn phóng xạ:

  • Nhân viên y tế khi làm việc cần đồ bảo hộ như quần áo, mũ, găng tay, áo chì, tạp dề chì phù hợp. Không hút thuốc, ăn uống trong phòng làm việc chứa chất phóng xạ.
  • Kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ hoặc tẩy xạ trước khi ra ngoài. Luôn che chắn phòng máy bằng vật liệu cản tia (như chì tấm, cao su chì, trát barrit…) để hạn chế tia phóng xạ lọt ra ngoài.
  • Bệnh nhân khi điều trị cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và yêu cầu trước khi vào phòng phóng xạ. Các cơ quan nhạy cảm với phóng xạ như não, bộ phận sinh dục, thuỷ tinh thể, tuyến giáp, tuyến vú khi chụp cần bảo vệ, che chắn phù hợp.

nguồn: khoahoc.tv

+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Scroll to Top