1903 là năm sản sinh ra khái niệm hacker. Quan trọng hơn cả, máy tính còn chưa ra đời. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là “ông tổ” hacker đã tấn công vào thứ gì?
Nevil Maskelyne vẫn được biết đến như “tin tặc” đầu tiên thế giới. Để hiểu được câu chuyện của nhân vật này, chúng ta cần quay ngược thời gian trở về khoảng cuối thế kỷ 19, với việc phát hiện ra sóng điện từ mà nhờ đó, điện báo vô tuyến ra đời và Gugliemo Marconi trở thành người tiên phong trong việc thương mại hóa phát minh thế kỷ.
Nhiều nhà khoa học đã tìm ra bản chất của sóng điện từ và những khả năng của chúng. Nhưng chính Gugliemo Marconi (1874 – 1937) mới là người đầu tiên sử dụng chúng vào truyền tải thông tin (gọi là sóng vô tuyến).
Năm 1885, ông đã dùng sóng vô tuyến để mã hóa dấu gạch ngang và dấu chấm của mã Morse, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý thống nhất nhằm gửi tín hiệu cách xa vài cây số, qua đó khai sinh ngành điện báo vô tuyến.
Ông cùng Karl Ferdinand Braun trở thành đồng chủ nhân giải Nobel vật lí năm 1909 “là sự công nhận những đóng góp của họ cho sự phát triển của ngành điện báo vô tuyến”. Marconi đồng thời thể hiện mình như một nhà kinh doanh thành công, trở thành nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng.
Không như “kình địch” của mình, Nevil Maskelyne (1863-1924) ít để lại dấu ấn trong lịch sử ngoài danh xưng “ông tổ hacker”. Ông sinh ra trong gia đình giàu truyền thống về ảo thuật và có không ít những phát minh. Đương thời, Maskelyne được giới công nghệ đặc biệt quan tâm nhờ màn hạ bệ Marconi đầy ngoạn mục.
Ảo thuật gia này còn ca ngợi điện toán không dây như phát kiến kỳ diệu của nhân loại với vẻ đầy châm chọc, vì cho phép ông “đọc suy nghĩ” trong mắt của công chúng. Ông cũng được biết đến như nhà phát minh giàu kinh nghiệm khi tạo ra máy phát tia lửa điện để đốt cháy thuốc súng ở khoảng cách xa và thậm chí đã thành công với việc truyền tin nhắn qua sóng radio từ trạm mặt đất đến một khinh khí cầu.
Tuy nhiên, những tham vọng của Maskelyne trong lĩnh vực điện báo vô tuyến bị bằng sáng chế của Marconi ngáng đường. Nhưng cuộc chơi vẫn chưa kết thúc, khi chính ông đã chứng minh được “phát kiến lịch sử” của nhà sáng chế người Ý đầy rẫy những lỗ hổng.
Trong một bài báo trên tờ St James Gazette phát hành tháng 2/1903 ở London, Marconi tỏ ra quá tự tin khi tuyên bố hệ thống điện báo không dây của ông vô cùng an toàn và đảm bảo tính riêng tư. Ông hứa cung cấp các “kênh bí mật” thay vì chỉ sử dụng một tần số nhất định như đang làm thời bấy giờ. Trớ trêu thay, hệ thống này đã bị Maskelyne hack ngay sau đó.
Chưa rõ, hành động của Maskelyne là do mối thâm thù cá nhân hay tính vụ lợi sau thiệt hại từ sáng chế của Marconi? Theo ghi chú của Viện Hoàng gia Anh, công ty Eastern Telegraph từng làm mưa làm gió trên thị trường điện tín, được cho là đã đứng đằng sau “giật dây” để Maskelyne chứng minh phát minh của Marconi là sai. Trước đó, công ty rót khoản đầu tư khổng lồ vào hàng nghìn km đường dây để cung cấp dịch vụ điện tín, nhưng có nguy cơ mất trắng từ phát minh điện báo an toàn của Marconi.
Trước khi thực sự tấn công đối thủ, Maskelyne đã phát triển công nghệ chặn tín hiệu khá đơn giản. Bằng chiếc anten 50 mét, ông dễ dàng can thiệp vào tin nhắn do công ty của Marconi gửi đi giữa các tàu trên biển mà không gây ra bất kỳ nghi ngại nào.
Trong khi đó, Marconi bắt đầu tiến hành các thử nghiệm để áp dụng phát minh của mình vào thực tế. Cụ thể, từ năm 1901, ông trở thành người đầu tiên gửi tín hiệu không dây vượt Đại Tây Dương và được cấp bằng sáng chế mã 7777 nổi tiếng về điện báo không dây (nhưng cũng gây tranh cãi).
Chỉ 2 năm sau, vào ngày 1/6/1903, thí nghiệm của Marconi được trình diễn trước đông đảo các nhà khoa học và quan khách tại Viện Hoàng gia, London. Nhà vật lí Ambroise Fleming được chọn để nhận một tin nhắn mã Morse của nhà phát minh người Ý, gửi từ Poldhu (Cornwall) với khoảng cách khoảng 483 km.
Mọi việc diễn ra có vẻ thuận lợi và nhóm nghiên cứu không phát hiện ra bất kỳ lỗi nào. Chỉ trừ, những tin nhắn mà Fleming và trợ lý của ông nhận được trước buổi trình diễn chính thức chứng minh điều ngược lại. Đó là những từ ngữ mà Maskelyne đã sử dụng kỹ thuật để can thiệp vào hệ thống, sau đó thay đổi nội dung theo ý mình.
Điều này chỉ có thể miêu tả bằng một từ “ma thuật” với việc hệ thống đã bị hack nhiều lần. Bởi vậy, những lời nhạo báng cứ thế nhắm tới Marconi và phát minh của ông hòng làm mất uy tín của một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành điện báo không dây.
Đó như thể bản chất của con người. Hacker đầu tiên trong lịch sử đã gửi mã Morse mang tính thách thức và như sỉ nhục đội ngũ của Marconi. Trong một bài báo trên tờ Times, Fleming gọi đó là hành động phá hoại và kêu gọi độc giả vạch mặt kẻ “đáng khinh”.
Không phải đợi lâu, Maskelyne đứng ra nhận trách nhiệm với vẻ hân hoan trước chiến công của mình. Trong một lá thư gửi tới Times, ông tự hào vì đã “vạch trần bộ mặt thật của Marconi”, đồng thời công bố những lỗ hổng trong phát minh mới. Theo ảo thuật gia người Anh, đó là vì lợi ích chung.
nguồn: genk.vn