Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard: Học nhiều môn là lợi bất cập hại

Góp ý về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Châu Thanh Vũ – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Harvard – đề xuất Bộ GD&ĐT cần giảm tải các môn học bắt buộc.

Bộ GD&ĐT vừa công bố bản dự thảo 54 trang cho chương trình phổ thông mới bắt đầu từ năm 2018-2019, đồng thời sắp cuốn toàn bộ hệ thống giáo dục và xã hội vào một cuộc cải cách mới.

Nhưng theo tôi, gần như chắc chắn kết quả sẽ không được như mong đợi. Bởi dự thảo hiện nay mắc hai lỗi lớn: Một là lượng giảm tải rất nửa vời. Hai là mục đích dạy học vẫn rất chênh lệch.

Châu Thanh Vũ cho rằng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang giảm tải nửa vời. Ảnh: NVCC

Nếu tuyển sinh đại học vẫn tập trung đánh giá kiến thức hàn lâm như hiện nay, sẽ khó khuyến khích học sinh thay đổi theo lối học nhẹ nhàng và tập trung vào kỹ năng thực tiễn.Cụ thể hơn, dự thảo mới muốn chương trình phổ thông nhẹ, toàn diện và tập trung phát triển định hướng nghề nghiệp nhưng lại không nói gì về cách tuyển sinh đại học.

Giảm tải nửa vời

Chương trình mới chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp 3 và phân môn học ra thành 4 mục (bắt buộc, tự chọn, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa) nhằm giúp học sinh có thể thiết kế linh động chương trình học phù hợp với sở thích và kế hoạch nghề nghiệp của bản thân.

Tuy nhiên, dù mang danh nghĩa “định hướng nghề nghiệp”, học sinh lớp 10 vẫn còn phải học 11 môn bắt buộc, cộng với nhiều môn học bắt buộc phân hóa và tự chọn. Tương tự, lớp 11 và 12 phải học bắt buộc 8 môn, cộng với một số môn không tự chọn khác.

Sau nhiều năm nghiên cứu cải cách, Bộ GD&ĐT vẫn không thể mạnh tay bỏ được tư duy “cầu toàn” trong giáo dục.

Dự thảo lần này vẫn thể hiện rõ suy nghĩ rằng học sinh cần phải được dạy đầy đủ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý… ở nhà trường. Tư duy này rất lợi bất cập hại. Việc bị bắt buộc học một môn ở trường không có nghĩa là học sinh sẽ tiếp thu tốt kiến thức của môn đó.

Chương trình Tú tài quốc tế (IB – International Baccalaureate) của thế giới chỉ yêu cầu học sinh phải học 6 môn (Toán, 2 ngôn ngữ, 1 môn tự nhiên, 1 môn xã hội, và 1 môn nghệ thuật).

Việc học ít môn hơn giúp học sinh có thời gian tự tư duy, nghiên cứu sâu hơn về những môn mình thích, thay vì phải dành thời gian học đối phó với những môn bắt buộc khác.

Nếu không mạnh tay giảm tải, chương trình mới sẽ là cải cách rất nửa vời. Cải cách lần này muốn tập trung phát triển định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào cấp 3, nhưng chương trình lại không đi theo mục đích đó.

Chênh lệch mục tiêu giữa người dạy và học

Một lý do khiến chưa một cuộc cải cách nào từ trước đến nay mang lại thay đổi thực sự là sự chênh lệch mục tiêu giáo dục giữa người dạy (Bộ GD&ĐT và nhà trường) và người học (học sinh và gia đình). Bộ GD&ĐT thường muốn đào tạo một đằng, nhưng lại kiểm tra và thi đại học một nẻo.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu ra mục đích cải cách “Chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện”.

Kỳ thi tuyển sinh đại học hiện nay vốn không thưởng cho sự toàn diện và dự thảo mới không có dự định thay đổi điều đó. Đây là trở ngại lớn nhất cho sự thành công của bất kỳ cải cách giáo dục nào.

Hiện nay, học sinh vào đại học bằng một kỳ thi cấp quốc gia, nơi các em được kiểm tra xem ai có thể giải được nhiều bài toán nhanh và khó hơn (hoặc các môn khác).

Khi nào giải bài khó thật nhanh còn là thước đo duy nhất để đánh giá kết quả giáo dục, thời lượng học được giảm tải ở trường sẽ chỉ được thay bằng những giờ “chạy show” đi học thêm ngoài lớp học, vì phụ huynh nào cũng muốn đảm bảo con mình có khả năng giải bài nhanh và khó.

Tương tự, cố gắng thêm vào những môn khuyến khích sự sáng tạo như “Thiết kế và công nghệ” hay “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” để giúp cho sự phát triển của học sinh cũng sẽ không hiệu quả, đơn giản vì đây không phải những môn thi đại học.

Tôi học đại học ở ĐH Princeton, Mỹ. Khi vào đại học, tôi rất ấn tượng bởi vốn kiến thức khổng lồ, sự uyên bác và tài năng nghệ thuật của bạn bè ở đây.

Rất nhiều người học piano từ nhỏ, tham gia hoạt động xã hội, tham gia sáng tạo khoa học, thực tập cho một trung tâm nghiên cứu xã hội… từ thời cấp 2, cấp 3 không phải vì họ bị Bộ Giáo dục Mỹ bắt buộc trong chương trình, mà vì những kinh nghiệm, tài lẻ, sự hiểu biết đa dạng đó được đánh giá rất cao trong thước đo vào đại học Mỹ.

Bài thi SAT – một dạng tương đương với thi đại học ở Việt Nam – chỉ là một trong những yếu tố được cân nhắc mà thôi.

Nói dễ hiểu hơn, Bộ GD&ĐT muốn giáo dục học sinh một cách toàn diện. Học sinh và phụ huynh chỉ muốn được vào đại học tốt.

Chừng nào sự toàn diện còn không phải thước đo để bước vào ngưỡng cửa đại học thì sự chênh lệch về mục tiêu này sẽ khiến những cố gắng cải cách giáo dục của bộ trở nên khiên cưỡng.

Tiếc thay, trong một bài dự thảo 54 trang được nghiên cứu kỹ lưỡng, mục “định hướng về đánh giá kết quả giáo dục” chỉ dài nửa trang và không chứa ý tưởng thực nào.

Không ai nghi ngờ gì về sự nhiệt huyết muốn thay đổi giáo dục của những chuyên gia viết nên bản dự thảo vừa được công bố của Bộ GD&ĐT. Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, họ hiểu được sự kỳ vọng của Nhà nước và của toàn dân, hiểu được tính quan trọng của một cuộc cải cách giáo dục được mong chờ từ rất lâu.

Tuy nhiên, bản dự thảo hiện nay vẫn còn kẹt ở lối mòn tư duy cũ, chưa thoát ra được. Như đã thảo luận, một cải cách hiệu quả cần giảm tải mạnh tay hơn, như nhiều chuyên gia đã lên tiếng. Nhưng theo ý kiến cá nhân, cần phải suy nghĩ sâu hơn cả thế.

Cả xã hội, từ gia đình, nhà trường, đến Nhà nước đều mong muốn các em học sinh lớn lên thành người, có phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng toàn diện, và sẵn sàng cho thị trường lao động.

Dự thảo lần này đã có những bước đầu để thay đổi chương trình trong trường học nhằm phát triển các em theo mục đích như trên.

Tuy nhiên, chỉ giảm tải, thay đổi chương trình thôi sẽ không đủ, mà còn cần phải cải cách kỳ thi đại học để sẽ không chỉ còn kiến thức hàn lâm, đề cao sự sáng tạo, kỹ năng toàn diện. Chỉ khi đó, học sinh mới có động cơ đúng để học làm người.

nguồn: zing.vn

+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0

Leave a Comment

. Bắt buộc *

Scroll to Top