Những phát minh vĩ đại của người Trung Quốc xưa đã làm thay đổi lịch sử loài người như: giấy, thuốc súng, la bàn …
Thuốc súng
Đây là phát minh nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại. Vào khoảng thế kỷ thứ VI, các nhà Giả Kim thuật (còn gọi là nhà Luyện đan, kiêm đạo sĩ, chiêm tinh, chuyên tìm tòi, pha chế các dược liệu, hoá chất… mong tìm ra phương thuốc “Trường sinh bất tử” dâng lên Hoàng đế), trong khi mày mò, vô tình tạo ra thuốc nổ từ diêm tiêu và lưu huỳnh. Thuốc súng đầu tiên được tạo ra từ hỗn hợp của nitrat kali, than và lưu huỳnh. Nó được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1044 trong bộ sưu tập kỹ thuật quân sự biên soạn bởi Zeng Goliang. Tuy vậy ở thời điểm đó, thuốc nổ chỉ được ứng dụng làm pháo đốt, pháo bông phục vụ cho lễ hội vui chơi ở cung đình và được sản xuất từ các công xưởng thuộc triều đình.
Địa chấn kế (năm 132)
Có thể khẳng định rằng chiếc địa chấn kế đầu tiên có khả năng phát hiện những chấn động của Trái đất, đã được nhà bác học có tên là Trương Hành (78 – 139) phát minh ra vào thời Đông Hán. Năm 138, dụng cụ này phát hiện một trận động đất xảy ra tại một khu vực cách Lũng Tây một ngàn cây số. Đây cũng là lần đầu tiên nhân loại phát hiện một trận động đất. Chiếc địa chấn kể hiện đại chỉ bắt đầu phát triển ở châu Âu vào năm 1848.
Thiết bị gieo hạt (3500 trước)
Những người nông dân Trung Quốc bắt đầu sử dụng thiết bị gieo hạt từ thế kỷ thứ 2 TCN. Thiết bị này giúp cho công việc trở nên dễ dàng hơn và cải thiện sản lượng cũng như chất lượng nông sản ở Trung Quốc.
Tiền giấy (TK 8)
Tiền giấy đầu tiên được phát triển từ Trung Quốc cổ đại, họ bắt đầu sử dụng tiền giấy dưới dạng những chi phiếu từ cuối thế kỷ thứ 8 hoặc đầu thế kỷ thứ 9.
Ô dù (1.700 năm trước)
Việc phát minh ra ô dù có thể được truy nguồn về quá khứ 3.500 năm trước đây tại Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Lỗ Bản – một người thợ mộc đã chế tạo ra chiếc dù sau khi nhìn thấy những đứa trẻ lấy lá sen để che mưa. Chiếc dù do ông chế tạo có một cái khung mềm dẻo và được phủ lên trên bằng một tấm vải.
Thuật châm cứu (2.300 năm trước)
Căn cứ theo cuốn “Hoàng đế Nội kinh” của Trung Quốc, châm cứu đã được sử dụng rộng rãi như một phương pháp trị liệu ở đất nước này từ rất lâu, thậm chí trước khi được ghi chép trong sách vở. Ngoài ra, khá nhiều loại kim châm cứu đã được phát hiện trong lăng mộ của Trung Sơn Tĩnh vương – Lưu Thắng; ông mất vào khoảng 200 năm TCN. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy châm cứu đã được sử dụng ở Trung Quốc hơn 2.000 năm trước. Đến thế kỉ 16, châm cứu bắt đầu được truyền bá rộng rãi sang châu Âu. Sau năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, châm cứu được phát triển nhanh chóng. Có thể thấy mặc dù đã ra đời cách đây khá lâu nhưng cho đến ngày nay thuật châm cứu Trung Quốc vẫn không hề mất đi giá trị, thậm chí còn ngày càng được mọi người trên thế giới tin dùng.
Đồng hồ cơ khí (năm 725)
Chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên được chế tạo bởi nhà sư Nhất Hạnh vào năm 725. Nó vận hành bằng cách nhỏ nước làm quay các bánh răng và hoàn tất trọn vẹn một vòng quay trong 24 giờ. Hàng trăm năm sau đó, kỹ sư Tô Tụng (1020-1101) đã phát triển một chiếc đồng hồ tinh vi hơn vào năm 1092, khoảng 200 năm trước khi đồng hồ cơ khí được xuất hiện ở Châu Âu.
Sản xuất trà (năm 2.737 TCN)
Theo thần thoại, trà được phát hiện lần đầu tiên bởi Thần Nông – ông tổ của ngành nông nghiệp Trung Quốc vào khoảng năm 2.737 TCN. Vào thời nhà Đường (618-907) trà đã trở thành một thức uống phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Cuốn “Trà Kinh” được viết bởi Lục Vũ vào triều đại nhà Đường đã giải thích các phương pháp pha trà, thưởng trà cũng như chi tiết về các loại trà khác nhau. Cuốn sách này được coi là tư liệu chuyên khảo đầu tiên trên thế giới về trà. Và cây trà lớn nhất và cổ nhất trên thế giới tọa lạc ở Lâm Thương, Trung Quốc, với niên đại khoảng 3.200 năm tuổi. Ở đất nước này, trà được coi là “quốc ẩm”, nó không chỉ đơn thuần là một thứ đồ uống mang tính phổ thông, mà quan trọng hơn nó còn thể hiện một nét văn hóa dân tộc.
Kỹ thuật ấn loát hoạt tự (960 – 1279)
In khắc gỗ là một kỹ thuật được sử dụng rộng rãi vào triều đại nhà Đường. Tuy nhiên, kỹ thuật in ấn này rất tốn kém và mất khá nhiều thời gian. Đến thời nhà Tống (960 – 1279), Tất Thăng, một nghệ nhân (990–1051) đã sáng chế ra chữ rời (hoạt tự), khiến việc in ấn trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đầu tiên ông khắc từng chữ một lên đất sét, rồi đem nung cứng trên lửa. Những mảnh hoạt tự có khắc chữ này sau đó sẽ được gắn lên một tấm bảng sắt để tạo thành một văn bản. Sau đó tấm bảng này sẽ được tháo rời để lấy các ký tự đất sét ra dùng lại.
Đầu tiên kỹ thuật in ấn này được truyền đến Triều Tiên, Nhật Bản, rồi thông qua người Mông Cổ truyền sang các nước phương Tây. Sự ra đời của kỹ thuật ấn loát hoạt tự đã đẩy mạnh tốc độ giao lưu, phát triển văn hóa giữa các nước trên thế giới, do đó có thể coi đây là một cống hiến to lớn của Trung Quốc đối với thế giới.
La bàn
La bàn đầu tiên được gọi là “kim chỉ Nam“ do người Trung Hoa phát minh rất sớm, ngay khi người ta tìm ra được từ lực và đá nam châm. Người Trung quốc xem hướng Nam là hướng của vua chúa nên dùng chữ “chỉ Nam” chớ không dùng chữ chỉ Bắc.
Kim chỉ nam ngày xưa khác la bàn ngày nay. Nó có hình dáng một cái muỗng cắt ra từ một miếng nam châm thiên nhiên và được đặt trên một cái đế bằng đồng đã được mài láng để giảm ma sát. (Lúc đó người ta đã biết đồng là kim loại không có ảnh hưởng trên từ trường, và do đó, không làm lệch hướng của kim nam châm). Phần muỗng tròn láng để chính giữa đế đồng làm trọng tâm thành ra cáng của kim chỉ nam có thể quay xung quanh. Sau khi muỗng đứng im (cân bằng tĩnh) cáng muỗng chỉ hướng Nam. Trung quốc cũng được coi là nước đầu tiên dùng la bàn trong ngành hàng hải.
Giấy
Trước khi phát minh ra giấy, con người đã ghi chép lại các văn kiện là các hình vẽ trong các hang động hoặc khắc lên các tấm bia bằng đất sét và sau đó nữa là người ta dùng da để lưu trữ các văn kiện. Kể từ khi người Trung Quốc phát minh ra giấy vào năm 105, giấy đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và mãi cho đến năm 750 kỹ thuật sản xuất giấy mới lan truyền đến Samarkand qua các tù binh người Trung Quốc trong một cuộc tranh chấp biên giới. Giấy được mang đến châu Âu từ thế kỷ thứ 12 qua các giao lưu văn hóa giữa phương Tây Thiên Chúa giáo và phương Đông Ả Rập cũng như qua nước Tây Ban Nha thời kỳ Hồi giáo.
Mì Ống
Có lẽ bạn sẽ cho rằng mì ống phải do người Ý nghĩ ra nhưng không, sự thực là người Trung Hoa cổ đại đã sáng tạo ra món ăn này từ 4000 năm trước. Vào năm 2006, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một khu dân cư ở tỉnh Thanh Hải và đã phát hiện ra một bát mì sợi bị chôn vùi dưới đất 10 feet. Món mì đầu tiên được chế biến từ hạt kê – được trồng tại Trung Quốc trong khoảng 7000 năm.
Xe đẩy
Một vị tướng thời Hán – Jugo Liang được cho là người đầu tiên xây dựng nên ý tưởng chiếc xe với một bánh dùng để chuyên chở đồ đạc. Chiếc xe cút kít đầu tiên có thiết kế đơn giản chỉ gồm các mảnh gỗ ghép lại với nhau. Ban đầu, phương tiện này phục vụ cho các mục đích quân sự như chuyên chở vũ khí, lương thực cũng như làm rào chắn di động. Người Trung Quốc đã giữ kín phát minh này trong nhiều thế kỉ.
Rượu
Khoảng đầu thế kỷ 3 trước công nguyên, người Trung Quốc đã tìm ra cách để xử lý các sản phẩm như giấm và nước tương bằng việc sử dụng công nghệ lên men và chưng cất. Qua đó, họ đã sáng chế ra rượu bằng phương pháp này. Các khám phá khảo cổ gần đây tại Hà Nam cũng cho thấy nhiều bằng chứng về rượu của người Trung Quốc.
Diều
Vào thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, Gongshu Ban và Mo Di – một nhà nghệ thuật và một nhà triết học – đã sáng tạo ra chiếc diều thô sơ đầu tiên. Trải qua thời gian, người Trung Hoa đã sáng tạo và biến nó trở thành một phương tiện giải trí. Ngoài ra, diều cũng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Tàu lượn
Như đã nói phía trên, diều được phát minh vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên và đến thế kỷ thứ 6, người Trung Hoa đã phát triển và tạo nên những con diều đủ lớn để có thể mang người. Hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng những con diều này như là một “hình phạt” cũng như một thú vui khi bắt các phạm nhân bay trên đó.
Lụa
Nghề dệt lụa xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc có thể từ rất sớm khoảng năm 6000 trước công nguyên. Ban đầu, chỉ có vua mới được dùng hoặc ban tặng cho người khác; tuy nhiên sau đó thì lụa dần dần được các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc dùng rồi lan ra đến các vùng khác của châu Á. Lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng cao cấp ở những nơi mà thương nhân người Hoa đặt chân tới, bởi nó bền và có vẻ đẹp óng ánh. Nhu cầu về lụa thì nhiều và nó trở thành một ngành thương nghiệp xuyên quốc gia. Tháng 7 năm 2007, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những mẫu vải lụa được dệt và nhuộm một cách tinh xảo trong một ngôi mộ ở tỉnh Giang Tây có từ đời nhà Đông Chu (Eastern Zhou Dynasty), cách đây khoảng 2500 năm.
Bằng chứng đầu tiên về việc mua bán tơ lụa là việc phát hiện sợi tơ trong tóc của một xác ướp Ai Cập. Lụa đã được đưa tới tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi thông qua con đường tơ lụa nổi tiếng.
Các vị vua Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật nghề nuôi tằm nhằm giữ thế độc quyền của người Trung Hoa. Tuy nhiên người Triều Tiên đã học được nghề này vào khoảng năm 200 T.C.N, sau đó là người Khotan cổ vào khoảng nửa đầu thế kỷ 1 C.N. và người Ấn Độ khoảng năm 300 C.N.
nguon: khoahoc.tv