Máy bay bị chim đâm phải diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới, nhưng không phải vụ nào cũng gây ra tai nạn. Kể từ năm 1988 đến nay có hơn 200 người chết trong các vụ tai nạn máy bay liên quan tới động vật, gây thiệt hại hơn 600 triệu USD mỗi năm. Riêng trong năm 2007 không quân Mỹ thống kê có hơn 5.000 vụ va chạm giữa máy bay và chim trên lãnh thổ nước này.
Làm thế nào những con chim trời yếu ớt có thể hạ gục một con chim sắt khổng lồ?
Chim dễ bị hút vào động cơ khi đâm trúng máy bay. (Ảnh: abcnews.com).
Những tai nạn máy bay vì va chạm với chim
Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và chim sắt có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim lớn thuộc các loài như ngỗng trời, kền kền và mòng biển bị hút vào động cơ phản lực, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động.
Một trực thăng Black Hawk hư hại do đâm phải một con sếu. Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) ước tính tai nạn do máy bay va chạm với chim khiến Mỹ thiệt hại 400 triệu USD hàng năm (gồm chi phí sửa chữa và những khoản lỗ do máy bay hư không thể tiếp tục hoạt động), khiến hơn 200 người thiệt mạng kể từ năm 1988.
Ngày 20/1/1995, một chiếc Dassault Falcon 20 rơi tại sân bay ở thủ đô Paris, Pháp, lúc cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Nguyên nhân sự cố do một đàn chim te te đã bay vào động cơ máy bay gây hư hại động cơ và tạo ra một đám cháy ở thân máy bay. Tất cả 10 người trên phi cơ đều thiệt mạng sau vụ tai nạn.
Ngày 22/9/1995, một chiếc Boeing E-3 Sentry AWACS của Không quân Mỹ số hiệu 77-0354 rơi không lâu sau khi cất cánh từ căn cứ. Một vài con ngỗng đã bay vào động cơ gây hư hại nghiêm trọng. Máy bay rơi ở vị trí cách đường băng khoảng 3 km khiến toàn bộ 24 người trên phi cơ thiệt mạng.
Tháng 4/2007, một chiếc Boeing 757 của hãng Thomsonfly khi bay từ sân bay Manchester (Anh) đến sân bay Lanzarote (Tây Ban Nha) bị hư động cơ bên phải do ít nhất một con chim bay vào. Động cơ bốc cháy và tỏa khói nghi ngút. Máy bay phải quay trở về Manchester để hạ cánh khẩn cấp. Hơn 200 hành khách trên phi cơ trải qua khoảnh khắc đứng tim, nhưng may mắn là máy bay hạ cánh an toàn. Một người ở sân bay đã quay lại toàn cảnh sự cố.
Ngày 4/1/2009, một trực thăng Sikorsky S-76 đâm phải một con chim ưng đuôi đỏ khi đang bay tại bang Louisana (Mỹ). Chim ưng lao vào kính chắn gió của trực thăng ở vị trí bên phải phi công. Vụ va chạm khiến phần kính bị vỡ, dẫn đến hàng loạt sự cố khiến máy bay mất năng lượng và rơi xuống một đầm lầy. 8 trong số 9 người trên trực thăng thiệt mạng sau vụ tai nạn, hành khách còn lại bị thương rất nặng.
Vụ tai nạn tại New York 15/01/2009 xảy ra ngay sau khi chiếc Airbus A320 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay LaGuardia với 155 hành khách và phi hành đoàn. Các nguồn tin cho rằng máy bay đâm phải một đàn ngỗng trước khi hạ cạnh xuống mặt sông và điều thần kỳ xảy ra là không có ai thiệt mạng.
Nguy hiểm do chênh lệch tốc độ
Về mặt lý thuyết các máy bay lớn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2 kg. Tuy nhiên, có tới 36 loài chim tại Bắc Mỹ có trọng lượng trung bình lớn hơn thế, trong khi ngay cả những loài chim nhỏ như sáo đá cũng có thể làm hỏng động cơ cực mạnh của máy bay.
Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Trọng lượng của chim cũng là một yếu tố, nhưng khác biệt tốc độ có vai trò lớn hơn. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần.
Dale Oderman, một giáo sư giảng dạy bộ môn kỹ thuật hàng không tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết chim là mối nguy hiểm lớn đối với phi cơ, đặc biệt là trong lúc cất cánh. “Ngỗng trời và các loài chim lớn đáng sợ hơn chim nhỏ. Khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt. Chiếc cánh gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác”, ông nói.
Để đối phó với nguy hiểm rình rập từ động vật, các phi trường áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu nguy cơ va chạm giữa máy bay và chim. Chẳng hạn, người ta không trồng nhiều cây gần sân bay vì chim có thể làm tổ hoặc nghỉ ngơi trên cây.
NASA cũng sợ chim trời
Trong lần phóng tàu vũ trụ Discovery của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) vào tháng 7/2005, người ta nhìn thấy một con kền kền bay quanh bệ phóng. Với trọng lượng trung bình 1,4 đến 2,2 kg, chim kền kền có thể gây ra thảm họa nếu nó đâm vào mũi hoặc cánh của tàu con thoi trong giai đoạn cất cánh.
NASA đề ra nhiều quy định an toàn từ năm 2005 để giảm thiểu nguy cơ va chạm với chim trong những lần phóng tàu vũ trụ. Họ không muốn chim đâm vào thùng nhiên liệu của tàu trong khi cất cánh và hạ cánh, bởi sự va chạm có thể làm hỏng bộ phận cách nhiệt. Do đó trong lúc hạ cánh, NASA dùng thiết bị tạo âm thanh để xua đuổi chim khỏi đường băng.
nguồn: khoahoc.tv